Lạm phát đang tăng mạnh tại các nền kinh tế hàng đầu thế giới, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Đức và Nhật Bản.
Tại Mỹ, giá tiêu dùng đang “chạy đua” ở mức nhanh nhất kể từ năm 1990. Tại Trung Quốc và Nhật Bản, giá sản xuất đang làm lung lay các dự báo. Nền kinh tế lớn thứ tư thế giới là Đức cũng nằm trong số các quốc gia có xu hướng tương tự về lạm phát leo thang.
Giá cả của nhiều mặt hàng, từ thực phẩm trên bàn ăn đến xăng trong xe hơi và hóa đơn sưởi ấm trong nhà đều tăng trong năm nay. Ngày càng có nhiều khả năng người tiêu dùng sẽ cảm thấy tác động của lạm phát trong nhiều tháng tới khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19.
Theo số liệu vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 6,2% trong tháng 10 so với năm ngoái, mức tăng cao nhất trong vòng 30 năm qua. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi – loại trừ giá thực phẩm và nhiên liệu – tăng 4,6% so với năm ngoái, mức cao nhất kể từ tháng 8/1991. Chỉ riêng giá xăng đã tăng 12,3% trong tháng trước, đóng góp vào hơn 50% mức tăng chung. Giá xe và thực phẩm cũng tăng phi mã.
Còn ở Nhật, chỉ số giá sản xuất ghi nhận mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm. Tại Trung Quốc, Cục Thống kê Quốc gia cho biết chỉ số giá sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lạm phát là cốt lõi của một trong những cuộc tranh luận lớn nhất trên khắp các thị trường toàn cầu trong năm nay: Liệu sự chi phí tăng vọt có phải chuyện là “nhất thời” hay không?
Theo nhận định của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED), lạm phát phần lớn được thúc đẩy bởi sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các nhà hoạch định chính sách cho rằng khi đại dịch tan dần, những vấn đề này sẽ tự giải quyết mà không cần đến các biện pháp can thiệp như tăng lãi suất mạnh tay.
Nhưng tại thời điểm này, “lạm phát nhất thời” đã tồn tại lâu hơn rất nhiều so với dự kiến của nhiều cơ quan chức năng, trong đó có cả FED. Dự đoán, áp lực lạm phát có thể sẽ kéo dài ít nhất vài tháng nữa bởi chi phí gia tăng đang xuất hiện trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự thiếu hụt chất bán dẫn đã làm giảm tỷ suất lợi nhuận và hạn chế sản xuất. Điều này càng kéo dài, sức mua càng bị ảnh hưởng do lạm phát cao hơn tốc độ tăng lương.
Đối với các nhà đầu tư, cả cổ phiếu và trái phiếu đều có thể bị ảnh hưởng nếu lạm phát cao bắt đầu tác động đến sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. Điều đó đã khiến nhà đầu tư kiếm các loại tài sản trú ẩn an toàn chẳng hạn như vàng – một biện pháp bảo vệ lạm phát truyền thống – hoặc gây tranh cãi hơn là Bitcoin, được những người ủng hộ nhiệt tình nhất coi là một kho lưu trữ giá trị.
Nhà phân tích Paul O’Connor, người đứng đầu bộ phận đa tài sản của Janus Henderson Investors cho rằng lạm phát do nhu cầu của năm 2021 sẽ chỉ là khúc dạo đầu cho một cú sốc giá thậm chí còn lớn hơn năm nay nếu sự bùng nổ của lĩnh vực dịch vụ khiến chi phí lao động tăng cao hơn.
Ở kịch bản tồi tệ nhất, tất cả yếu tố này có thể dẫn tới một cuộc suy thoái toàn cầu. Trong môi trường lạm phát tăng cao, vấn đề không chỉ nằm ở việc nâng lãi suất hay không. Các ngân hàng trung ương cũng cần duy trì sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. Nếu không, họ có thể đẩy thế giới vào suy thoái, chuyên gia của Bloomberg cảnh báo./.
Theo: Cafef
Trên đây là một số chia sẻ về bài viết : Vì sao cả thế giới đều lo lắng về lạm phát?. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn miễn phí chuyên sâu hơn về tư vấn xây dựng tiêu chuẩn GRS của chúng tôi xin vui lòng liên hệ:
Công ty Cổ Phần Phát Triển Open End
🗺 : Tầng 14, tòa nhà HM Tower, 412 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
☎️ : 0938.603.496
📩 : info@openend.vn
🌐 : OpenEnd.vn