Phân biệt 3 xu hướng phát triển bền vững: ESG, CSR và CSV

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người thì “Phát triển Bền vững” (Sustainable Development) xuất hiện như chiến lược lâu dài để doanh nghiệp ra sức giảm thiểu tác động đến môi trường.

Hiểu đơn giản, Phát triển Bền vững là bước phát triển vừa thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến thế hệ tương lai. Trong bức tranh bền vững đó, ta có CSR, CSV, ESG là 3 góc nhìn khác nhau của doanh nghiệp khi đề ra định hướng phát triển. Không chỉ có CSR (Corporate Social Responsibility) vốn đã quen thuộc, ESG và CSV đang dần trở thành xu hướng mới.

Làm thế nào để phân biệt 3 tiêu chuẩn này? Cùng Open End tìm hiểu qua bài viết Phân biệt 3 xu hướng phát triển bền vững: ESG, CSR và CSV dưới đây.

Phân biệt 3 xu hướng phát triển bền vững

CSR (Corporate Social Responsibility): Trách nhiệm Xã Hội của Doanh nghiệp

CSR là viết tắt của Corporate Social Responsibility, được nghiên cứu và hình thành từ những năm 1950.

CSR nghĩa là xem trách nhiệm xã hội như một phần trong hoạt động đối ngoại của doanh nghiệp. Theo đó, một công ty thực hiện tốt CSR khi họ vẫn kiếm ra lợi nhuận nhưng không gây tổn hại đến xã hội và con người trong tổ chức.

CSR yêu cầu họ phải có trách nhiệm trong cộng đồng họ hoạt động, qua các công tác thiện nguyện, gây quỹ, và các chính sách đạo đức với chính nhân lực của công ty.

Để thực thi, CSR môi trường có thể là các chương trình trồng rừng, quyên góp vật phẩm tái chế, hay nghiên cứu bao bì chất liệu tối ưu giảm thiểu rác thải,… CSR được xem là xu hướng phổ biến trên thế giới, trở thành điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của mọi doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong CSR có chữ “trách nhiệm” (responsibility), nghĩa rằng doanh nghiệp phải luôn mang một phần trách nhiệm đóng góp giá trị cho xã hội dưới bất kỳ hình thức nào, ví dụ như tổ chức thiện nguyện.

Lâu dần, đây có thể là nhược điểm khi doanh nghiệp bắt đầu phát sinh chi phí cho các chiến dịch CSR “khổng lồ” hàng năm. Điều này khiến cam kết giữa doanh nghiệp với CSR giảm dần, cho đến khi CSR mất vị thế ưu tiên trong chiến lược kinh doanh của họ.

Phân biệt 3 xu hướng phát triển bền vững

Khi CSV xuất hiện, một số ý kiến cho rằng CSV là phiên bản nâng cấp của CSR. Vậy khái niệm này có gì “mới” hơn so với trách nhiệm xã hội đơn thuần?

CSV (Creating Shared Value): Tạo Giá trị Chung

CSV là Creating Shared Value, nghĩa là doanh nghiệp đề ra chiến lược win-win, tạo ra “giá trị chia sẻ” (shared value) cho cả nền kinh tế, xã hội, lẫn bản thân doanh nghiệp. CSV vừa đáp ứng mục tiêu sống còn của doanh nghiệp, lại giúp thực hiện các hoạt động cộng đồng.

Vậy thì thực hiện CSV như thế nào? CSV sẽ yêu cầu doanh nghiệp thay đổi cách tiếp cận với thị trường để tìm ra “tia sáng”, ví dụ xác định thị trường ngách tiềm năng để sản xuất điện thoại giá rẻ cho phân khúc nông thôn – vừa giải quyết vấn đề cộng đồng, vừa tăng hiệu quả kinh doanh.

Khác với CSR là các hoạt động thực hiện trách nhiệm xã hội tách biệt với kinh doanh, thì CSV hoàn toàn là cách tiếp cận có kế hoạch kinh doanh từ doanh nghiệp, đảm bảo tất cả các bên liên quan đều hài lòng.

Dù nghe có vẻ tối ưu, thực chất CSV vẫn hướng đến tối đa hóa lợi nhuận, bắt đầu từ lợi nhuận đầu tiên – một hướng đi khác biệt so với xu hướng chung sau này yêu cầu doanh nghiệp luôn phải hài hòa cả 2 thứ: tác động xã hội và doanh số. 

csv tao gia tri chung scaled

Đến giai đoạn gần đây, ta có ESG là thuật ngữ được quan tâm hàng đầu bởi các doanh nghiệp. ESG có gì khác biệt so với 2 thuật ngữ còn lại?

ESG (Environmental – Social – Governance): Môi trường – Xã hội – Quản trị doanh nghiệp

ESG là viết tắt của cụm từ Environmental (môi trường), Social (xã hội), và Governance (quản trị doanh nghiệp). Đây là bộ 3 tiêu chuẩn đo lường những yếu tố giúp doanh nghiệp xây dựng nền tảng kinh doanh bền vững trên thị trường.

Điểm số ESG sẽ được đánh giá dựa trên 3 tác động của doanh nghiệp đến môi trường, xã hội, và hiệu suất quản trị của công ty. Điểm ESG càng cao, sẽ càng tăng lợi thế cạnh tranh và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp.

Theo đó, mỗi khía cạnh ESG sẽ mang ý nghĩa:

  1. E – Environmental: Đo lường mức độ doanh nghiệp tác động đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên trong suốt quá trình vận hành. Ví dụ: Đo lường tổng lượng khí thải ra môi trường và đề ra mục tiêu giảm thiểu hằng năm.
  2. S – Social: Đo lường các yếu tố xã hội và con người, như mối quan hệ hợp tác giữa công ty với đối tác, điều kiện làm việc của nhân viên. Ví dụ: Cam kết mức lương, chính sách bảo hiểm và phúc lợi cho nhân viên.
  3. G – Governance: Đo lường mức độ minh bạch, đạo đức kinh doanh và tuân thủ các quy định địa phương của doanh nghiệp. Ví dụ: Minh bạch trong báo cáo tài chính hàng năm.

ESG hiện đang là xu hướng toàn cầu, mang tính chiến lược không chỉ cho các doanh nghiệp lớn, mà còn là doanh nghiệp tư nhân và gia đình.

Phân biệt 3 xu hướng phát triển bền vững

Tại sao ESG lại quan trọng như vậy? Lý giải từ Raise Partners, tiêu chuẩn ESG giúp doanh nghiệp gây được lòng tin nơi khách hàng khi họ đang ngày một quan tâm hơn đến uy tín công ty đứng sau mọi sản phẩm họ mua.

Điểm ESG cao còn gia tăng khả năng mở rộng quy mô kinh doanh và thúc đẩy hợp tác. Khảo sát từ PwC trên 325 nhà phân tích tài chính cho thấy, hầu hết những người được khảo sát đều thể hiện sự cam kết với các mục tiêu ESG và coi đây là ưu tiên hàng đầu trong các doanh nghiệp họ quyết định hợp tác. Đối với họ, những doanh nghiệp có hiệu suất ESG cao đã được chứng minh là có rủi ro thấp hơn, lợi nhuận cao hơn và có khả năng phục hồi tốt hơn sau khủng hoảng.

Như vậy, ESG sẽ phù hợp với những doanh nghiệp đang đứng trước nhu cầu mở rộng kinh doanh và cần huy động vốn từ nước ngoài, đặc biệt là những quỹ đầu tư sạch, năng lượng sạch.

Nhìn chung, CSV, CSR hay ESG đều là những khái niệm chỉ một doanh nghiệp ngoài việc tạo ra lợi nhuận, còn tạo ra tác động tích cực đến môi trường và xã hội. Để biết rằng doanh nghiệp nên lựa chọn chiến lược nào giữa CSV, CSR, hay ESG, rất khó để chỉ ra khái niệm tối ưu nhất bởi vì nhu cầu, nguồn lực và nội tại của mỗi doanh nghiệp là khác nhau.


Công ty Cổ Phần Phát Triển Open End

🏠 Địa chỉ: Tầng 14, toà nhà HM Town, 412 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, TP. HCM

🏠 Chi nhánh Miền Nam: Tầng 2, Tòa nhà D-Vela, số 1177 Huỳnh Tấn Phát, Phường Phú Thuận, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh

🏠 Chi nhánh Miền Trung: 1747-1749, Đường Nguyễn Tất Thành, Phường Thanh Khê Tây, Quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng

🏠 Chi nhánh Miền Bắc: Phòng 604, Tầng 6, Tòa nhà Rocland, Số 112 Mễ Trì Hạ, Phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

SĐT: 0938.603.496

Email: info@openend.vn

Website: OpenEnd.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *