Quên 2021-2022 đi, bây giờ mới thực sự là “mùa covid” của giới kinh doanh di động tại Việt Nam

Nhu cầu thấp, doanh số sụt giảm, nguồn vốn khó khăn – có thể xem đây là giai đoạn khó khăn bậc nhất của các chuỗi bán lẻ di động. Quên 2021-2022 đi, bây giờ mới thực sự là “mùa covid” của giới kinh doanh di động tại Việt Nam

giới kinh doanh di động

Doanh số sụt giảm, cạnh tranh giá, bán cắt lỗ

Thị trường di động tại Việt Nam đang chứng kiến mức suy giảm mạnh giai đoạn cuối 2022 đầu 2023. Thông thường các năm, doanh số bán lẻ thiết bị công nghệ bắt đầu có dấu hiệu chững lại khi bước vào cuối hoặc giữa tháng 3, sau đó duy trì nhịp độ giảm đều trong quý 2. Tuy nhiên năm 2023 chứng kiến việc người tiêu dùng tiết giảm chi tiêu, hạn chế mua sắm diễn ra ngay trong những ngày Tết. Theo thống kê của một hãng nghiên cứu thị trường lớn, doanh số bán lẻ di động tại Việt Nam trong 2 tháng đầu tiên của năm 2023 chỉ đạt dưới 2, 5 triệu chiếc, so với 3,5 triệu chiếc trong năm 2022 – mức giảm xấp xỉ 30%. Doanh thu giảm khiến các đại lý bán lẻ tung ra liên tiếp các chương trình khuyến mãi rất sâu ngay trong mùa cao điểm bán hàng Tết. Cho đến thời điểm này, mức khuyến mãi vẫn chỉ tăng chứ không giảm, thậm chí có nhiều sản phẩm đã giảm 30-50% so với giá niêm yết lúc mở bán.

giới kinh doanh di động
Hàng loạt sản phẩm di động đang được giảm giá rất sâu trong giai đoạn này, điển hình là dòng iPhone 14.

Theo một hệ thống bán lẻ lớn, doanh thu nhiều ngành hàng sụt giảm còn 60% so với các tháng cuối năm, xuống dưới điểm hoà vốn, chưa kể việc bán mới mức lợi nhuận âm do áp lực thu hồi tiền và cạnh tranh của thị trường khiến cho đại lý này chịu mức lỗ lớn hơn cả những tháng đóng cửa do Covid. Theo một số thông tin không chính thức thì một số chuỗi bán lẻ lớn đã có báo cáo kinh doanh lỗ tháng 1, tháng 2. Dự kiến tình hình kinh doanh của bán lẻ công nghệ sẽ còn tiếp tục khó khăn kéo dài tới hết quý 3 năm nay.

Quá nhiều khó khăn

International Data Corporation (IDC) vừa tổng hợp số liệu mới nhất về thị trường smartphone toàn cầu quý IV năm 2022, và theo họ, đấy là con số mang tính thảm hoạ. Tổng doanh số smartphone bán ra thị trường ba tháng cuối năm ngoái giảm 18,3% so với cùng kỳ 2021, là bước sụt giảm lớn nhất trong một quý kể từ năm 2013. Theo IDC, tổng doanh số smartphone toàn cầu bán ra trong năm 2022 đã giảm 11,3%.

Đối với mảng điện thoại Android tầm trung và thấp thì bức tranh này đã được thấy trước từ đầu năm 2022, khi khủng hoảng kinh tế đã bắt đầu nhen nhóm, gây ảnh hưởng tới thu nhập của tầng lớp bình dân, công nhân, người lao động thu nhập trung bình.

Xét về số lượng, doanh số phân khúc điện thoại Android có giá dưới 5 triệu đã giảm liên tiếp từ tháng 1/2022 cho tới tháng 12/2022. Theo ước lượng từ các chuỗi bán lẻ lớn, lượng khách hàng mua phân khúc này ở tháng 12/2022 chỉ bằng 47% so với doanh số tháng 1/2022.

Phân khúc 5-10 triệu cũng chứng kiến sự sụt giảm tương tự, khi số lượng bán ra của tháng 12/2022 ước tính chỉ bằng 55% so với tháng 1/2022.

Bước sang năm 2023, thị trường smartphone vẫn ảm đạm. Theo đại diện chuỗi bán lẻ CellphoneS, doanh số sau Tết hiện tại đang diễn biến tương tự tháng 11, 12 năm 2022, tức là chỉ bằng khoảng 50-60% so với cùng kỳ.

Các nhà bán lẻ dự đoán, doanh số smartphone trong nước sẽ không khởi sắc cho đến hết quý II/2023. Các hãng, nhà phân phối, nhà bán lẻ đều gặp vấn đề về chi phí, dòng tiền, nên việc tăng doanh số hoặc ít nhất giữ doanh số được xem là “sống còn”.

Tuy nhiên thị trường lại đang ảm đạm nên các hãng lại phải cân nhắc về việc “chiến giá, tăng khuyến mại”. Việc này vô hình chung làm tăng chi phí và lại không thể đảm bảo lợi nhuận. Các nhà bán lẻ hiện đang phải “cắt lỗ” cho nhiều mẫu điện thoại, có mẫu lên tới 10-15%.

giam gia cat lo

Trong khi đó, các nhà bán lẻ cũng gặp không ít vấn đề với các sản phẩm Apple từ cuối năm 2022 – vốn là sản phẩm chiến lược, đem lại lợi nhuận và doanh thu cao bậc nhất cho họ. iPhone 14 mới ra mắt nhu cầu lớn thì thiếu hàng, phải nhập bia kèm lạc giá cao nhưng sau Tết giá bán liên tục giảm, đại lý phải cắt lỗ để thu hồi tiền. 

 Các dòng sản phẩm máy tính Mac cũng gặp tình trạng sụt giá liên tục. Chẳng hạn, dòng MacBook Air M1 hiện được bán với giá dưới 20 triệu đồng – thấp nhất thế giới, gây sức ép rất lớn lên hầu hết các nhãn laptop khác trên thị trường . 

 Theo một số nhà bán lẻ, sản phẩm Apple thường đóng góp 25-30% doanh số trên thị trường smartphone, thậm chí lên đến trên 50 tại một số đại lý do mặt hàng iPhone được ưa chuộng.

Nhà bán lẻ có đối sách gì?

Trước tình hình ngày càng khó khăn của thị trường bán lẻ thiết bị di động, các nhà bán lẻ hầu như đã tạm dừng việc mở rộng các cửa hàng. Đại diện CellphoneS cho biết dự kiến trong 2 quý đầu năm 2023, CellphoneS không mở thêm cửa hàng, duy trì số 115 cửa hàng như cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, các biện pháp cắt giảm chi phí được ưu tiên hàng đầu cho sự tồn tại của hệ thống tương tự giai đoạn giãn cách xã hội khi dịch Covid-19 bùng nổ quý vào quý II, quý III/2021.

Các doanh nghiệp hầu hết dừng việc tuyển mới nhân sự, cắt giảm giờ công, người lao động tại các cửa hàng có doanh số yếu, cũng như ở các khung giờ vắng khách hàng.

Ngoài ra, các khoản chi phí điện nước, văn phòng phẩm… cũng được tiết kiệm một cách tối đa để giảm các chi phí. Các nhà bán lẻ này cũng tính đến phương án làm việc với các chủ mặt bằng để có sự hỗ trợ về chi phí mặt bằng cho thuê trong thời gian thị trường sụt giảm nghiêm trọng như hiện nay.

“Chúng tôi cũng đang làm việc với hãng, nhà phân phối và các đối tác để có những sự hỗ trợ qua lại, cùng nhau phối hợp đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi bán hàng giảm hàng tồn kho trong hệ thống cũng như trên thị trường, chia sẻ chi phí để có khả năng cạnh tranh tốt hơn trong các tháng tới”, đại diện CellphoneS nói.

“Chúng tôi hy vọng với những kinh nghiệm đã trải qua trong giai đoạn giãn cách năm 2021, cùng sự hỗ trợ của các đối tác, hệ thống có thể tồn tại trong 2 quý tới và thị trường công nghệ sẽ có thể phục hồi trong quý IV năm nay”, vị này nói.

Theo: Nhịp sống thị trường

Trên đây là một số chia sẻ về bài viết : Quên 2021-2022 đi, bây giờ mới thực sự là “mùa covid” của giới kinh doanh di động tại Việt Nam. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn miễn phí chuyên sâu hơn về Quản trị nhân sự của chúng tôi xin vui lòng liên hệ:

Công ty Cổ Phần Phát Triển Open End

🗺 : Tầng 14, tòa nhà HM Tower, 412 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh

☎️ : 0938.603.496

📩 : info@openend.vn

🌐 : OpenEnd.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *