Xu hướng cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động cuối năm 2022

Đa phần người lao động có nhu cầu chuyển việc và tìm kiếm một công việc mới vào cuối năm 2022, điều này cho thấy thị trường lao động sẽ rất sôi động và sự cạnh tranh giữa các ứng viên là rất cao.

Trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks thuộc tập đoàn Navigos Group vừa phát hành báo cáo “Tình hình thị trường lao động trong năm 2022: Thực trạng và hướng đi”, được thực hiện dựa trên kết quả khảo sát của hơn 400 doanh nghiệp và hơn 3.000 người tìm việc tại thị trường Việt Nam.

Thị trường tuyển dụng mất cân bằng giữa cung và cầu

Theo Navigos Group, kể từ đầu năm 2022, thị trường lao động Việt Nam nhộn nhịp trở lại với những tín hiệu khởi sắc từ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Song, những biến đổi do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã mang tới những xu hướng mới tại thị trường việc làm và tác động đến nhu cầu tìm việc của người lao động trong thời gian qua.

Phía doanh nghiệp, gần 87% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết gặp khó khăn về tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhân viên chủ động xin nghỉ gia tăng so với cùng kỳ năm 2021. Khoảng 12% doanh nghiệp có tỷ lệ nhân viên chủ động nghỉ việc tới 30 – 40%. Gần 41% doanh nghiệp có tỷ lệ nhân viên chủ động nghỉ việc là 10 – 20%. Đây thực sự là một bài toán nan giải cho các doanh nghiệp khi tình hình sản xuất kinh doanh đang cần được đẩy mạnh để đáp ứng sự phục hồi của nguồn cầu.

Trong đó, tình hình thiếu hụt nhân lực tại TP.HCM và Hà Nội tăng cao. Cụ thể, tỷ lệ thiếu hụt tại TP.HCM là gần 23% và tại Hà Nội là gần 15%. Theo đó, thị trường tuyển dụng bị mất cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu.

Các ngành thiếu hụt nhân lực lớn nhất thuộc về ngành: Dịch vụ, Xây dựng/Kiến trúc, Bất động sản, Bán buôn/Bán lẻ, Nhà hàng/Khách sạn/Du lịch, Công nghệ thông tin, Tài chính/Kế toán/Kiểm toán…

Đối với người tìm việc, số lượng người lao động đang không có việc làm ổn định chiếm tới 40% số người tìm việc tham gia khảo sát.

Cụ thể, số liệu của khảo sát cho thấy, 60% người tìm việc vẫn có việc làm ổn định tại công ty, 20% người tìm việc đã thôi việc nhưng chưa có việc mới, 15% người tìm việc đã thôi việc và đã có việc làm thời vụ, 2% người tìm việc đã thôi việc, tự ra làm riêng.

Khi được hỏi về lý do người lao động sau khi thôi việc nhưng chưa tìm việc làm mới, hơn 20% người tham gia khảo sát cho biết muốn được nghỉ ngơi trước khi tìm việc mới, hơn 18% cho biết sẽ kinh doanh tự do hoặc tìm công việc bán thời gian, gần 12% chưa vội tìm kiếm công việc mới.

Số liệu này cho thấy, người lao động sẵn sàng chờ đợi thêm để tìm được đúng công việc phù hợp với nhu cầu cá nhân hoặc muốn tìm các công việc có thời gian cân bằng cuộc sống nhiều hơn cũng như tìm kiếm các cơ hội mới để thử thách và khám phá nhiều hơn.

Mặc dù thuộc nhóm người lao động đang có công việc ổn định, 80% trong số này muốn tìm kiếm công việc mới. Khi được hỏi về dự định tìm việc trong 6 tháng đầu năm, gần 80% người lao động đang có việc làm toàn thời gian có ý định chuyển việc. Điều này có thể thấy, khi nền kinh tế bắt đầu khôi phục sau đại dịch COVID-19, hầu hết người lao động dù đang có việc làm vẫn mong muốn tìm kiếm cơ hội mới để phát triển.

Xu hướng thích an toàn, tìm một công việc ổn định hiện không được nhiều người lao động đánh giá cao so với trước đây. Theo thống kê từ khảo sát, các cấp bậc như thực tập sinh, nhân viên có kinh nghiệm và giám đốc chiếm 80% nhân lực muốn tìm kiếm công việc mới.

Trong đó, khối Tài chính/Kế toán/Kiểm toán, Nhà hàng/Khách sạn/Du lịch, Hàng tiêu dùng, Xuất khẩu/Nhập khẩu, Bất động sản,… là những nhóm ngành có tỷ lệ người lao động muốn chuyển việc cao nhất với trên 80% bình chọn.

Điều này cho thấy trong thời gian tới, doanh nghiệp nên dành nhiều thời gian để nghiên cứu các chiến lược giữ chân nhân viên mới.

89% doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng vào cuối năm

Đối với doanh nghiệp, 89% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ chủ động đẩy mạnh tuyển dụng trong 6 tháng cuối năm tuỳ theo quy mô và nhu cầu của các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp có quy mô từ 300 – 1.000 lao động tăng tuyển dụng từ 50 – 60%. Các doanh nghiệp có quy mô từ 101 – 300 lao động sẽ tăng tuyển dụng từ 10 – 40%. Các doanh nghiệp có quy mô dưới 100 lao động cũng có nhu cầu tăng tuyển dụng cao hơn 50 – 60%.

56% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng lương để giữ chân nhân tài. Bên cạnh tăng lương còn có thêm các lựa chọn khác dành cho người lao động như: Hỗ trợ chi phí học tập, đào tạo kỹ năng mới; đo lường sức khoẻ nhân sự bằng khối lượng công việc; chăm sóc sức khoẻ – bảo hiểm; linh động về thời gian và địa điểm làm việc.

Để đáp ứng nhu cầu phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp đang ưu tiên tuyển người lao động thuộc các phòng ban, bao gồm: Kinh doanh/Bán hàng (72%), Kỹ thuật (12%), Công nghệ thông tin (9%), Tiếp thị – Marketing (4%), Tài chính/Kế toán/Kiểm toán (3%).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *