Giá cả hàng hóa và rủi ro một cuộc suy thoái ngày một tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tài chính và danh mục đầu tư của nhiều nhà đầu tư. Nhà đầu tư cần thận trọng trước lạm phát, không xem nhẹ suy thoái đồng thời cảnh giác trước viễn cảnh suy thoái và lạm phát song hành.
Lạm phát đã ở đây trong khi suy thoái đang trực chờ. Điều gì khiến nhà đầu tư bận tâm hơn?
Đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra trong thời gian gần đây khi lạm phát và suy thoái đang có những ảnh hưởng nhất định tới danh mục đầu tư và túi tiền của họ. Lạm phát tháng 6 tại Mỹ cao nhất từ năm 1981. Và xác suất xảy ra một cuộc suy thoái trong năm tới hiện tiệm cận ngưỡng 50%, theo kết quả khảo sát của Bloomberg.
Lạm phát và suy thoái có mối quan hệ chặt chẽ: Để kéo giảm đà tăng giá cả, các ngân hàng trung ương có thể mắc sai lầm khi tăng lãi suất quá nhanh, kéo nền kinh tế vào suy thoái. Viễn cảnh đó vẫn chưa xảy ra, ít nhất ở hiện tại, dù không ít chuyên gia và định chế đã lên tiếng cảnh báo về một cuộc suy thoái đang ập tới.
Trong hoàn cảnh này, nhà đầu tư nên điều chỉnh danh mục của mình theo hướng phòng ngừa lạm phát hay trú ẩn một cuộc suy thoái trực chờ?
Tập trung vào lạm phát
Một điều chắc chắn là thế giới đang phải đương đầu với một cơn sốt giá cả. Đó là lý do một số cố vấn tài chính đưa ra lời khuyên lạm phát nên là vấn đề cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn so với một cuộc suy thoái vẫn ở trong lý thuyết.
“Lạm phát ảnh hưởng trực tiếp tới mỗi chúng ta”, theo Dana Menard, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc chiến lược tài chính tại Twin Cities Wealth Strategies. “Đó là điều đang xảy ra, và có tác động nhiều nhất tới những ai đang cận kề độ tuổi nghỉ hưu hoặc có nhu cầu mua sắm hàng hóa lớn”.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần chuẩn bị cho một cuộc suy thoái, Menard chia sẻ. Vì một phần của việc lên kế hoạch là lường trước mọi tình huống có thể xảy ra.
“Đầu tư ở thời điểm hiện tại không hề dễ dàng, vì chúng ta đang trong ‘mắt bão’ của lạm phát”, theo Mike Bailey, Giám đốc nghiên cứu tại FBB Capital Partners. Ông khuyên nhà đầu tư mua vào cổ phiếu năng lượng và tài chính vì những lĩnh vực này được hưởng lợi khi giá cả tăng cao.
Đây cũng là thời điểm bạn nên để “tiền đẻ ra tiền”, thay vì giữ một khoản tiền mặt và nhìn nó mất giá mỗi ngày. Trong môi trường lãi suất cao, các khoản tiền gửi tiết kiệm hoặc trái phiếu không phải là một lựa chọn tồi.
Không nên bỏ qua suy thoái
Trong khi tình trạng giá cả hàng hóa tăng cao đang ít nhiều tác động tới cuộc sống của người tiêu dùng, gây áp lực giảm điểm lên thị trường chứng khoán, một số nhà quản lý quỹ tranh luận rằng nhà đầu tư nên để ý nhiều hơn tới những dấu hiệu cảnh báo suy thoái.
“Nhà đầu tư không nên bận tâm quá nhiều tới lạm phát vì đó là thứ họ không thể kiểm soát”, theo Erik Baskin, Nhà sáng lập Baskin Financial Planning có trụ sở tại Ohio.
Bên cạnh đó, tác động của lạm phát có sự khác biệt lớn đối với mỗi người dân. Giỏ hàng hóa được sử dụng để tính lạm phát không đại diện cho nhu cầu mua sắm của đơn lẻ của một cá nhân nào. Dữ liệu lạm phát công bố mỗi tháng tập trung phản ánh diễn biến giá cả trong tháng trước đó, theo Chris Diodato, Nhà sáng lập WELLth Financial Planning.
“Suy thoái mới là mối đe dọa lớn nhất”, ông nói. “Khi người tiêu dùng quan ngại về suy thoái, họ sẽ cắt giảm hoặc thậm chí là dừng chi tiêu, hiện tượng đó đã xảy ra thời gian gần đây”.
Các doanh nghiệp cũng làm điều tương tự trong suy thoái, theo Katie Nixon, Giám đốc đầu tư tại Northern Trust Wealth Management. Trong một số lĩnh vực như công nghệ và tài chính, nhiều doanh nghiệp đang bắt đầu cắt giảm tuyển dụng. “Đầu tiên, họ sẽ cắt giảm tuyển dụng, và sau đó là sa thải nhân viên”, bà nói.
Triển vọng thị trường việc làm suy yếu là lý do một số chuyên gia tài chính khuyên nhà đầu tư nên cẩn thận lập kế hoạch đối phó với một cuộc suy thoái. Một khoản tiền phòng ngừa rủi ro khẩn cấp trong vòng một năm có thể giúp một ai đó vượt qua khó khăn trong trường hợp xấu nhất: mất việc.
Viễn cảnh tệ nhất: Đối mặt với cả hai
Điều gì tồi tệ hơn cả lạm phát và suy thoái? Đó chính là việc phải đối diện với cả hai cùng một lúc.
Các chuyên gia kinh tế có cơ sở lo lắng về rủi ro lạm phát-đình đốn (đình lạm), khi đó, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát trong nền kinh tế nâng cao trong khi tăng trưởng chậm. Hiện tượng này đã từng xảy ra trong những năm 70 của thế kỷ trước do giá dầu tăng cao và đồng USD suy yếu.
Michael Caligiuri, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Caligiuri Financial, khuyên nhà đầu tư chuyển hướng sang vàng, hoặc cổ phiếu các doanh nghiệp khai thác vàng, và nhiều loại hàng hóa khác. Dù đang trong xu hướng giảm thời gian gần đây, Bloomberg Commodity Index vẫn tăng 17% trong khi S&P 500 giảm gần 20%. Các doanh nghiệp năng lượng cũng liên tục ngược dòng đà giảm của thị trường trong năm nay.
“Chúng ta đang được chứng kiến làn sóng nhà đầu tư rời bỏ nhóm cổ phiếu đầu cơ, tăng trưởng mạnh để chuyển sang các doanh nghiệp thiên về giá trị, đặc biệt là lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, vốn được hưởng lợi từ lạm phát, thậm chí là một cuộc suy thoái”, ông nói.
Theo: Người đồng hành
Trên đây là một số chia sẻ về bài viết : Lạm phát hay suy thoái: Điều gì đáng ngại hơn?. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn miễn phí chuyên sâu hơn về tư vấn kinh doanh của chúng tôi xin vui lòng liên hệ:
Công ty Cổ Phần Phát Triển Open End
🗺 : Tầng 14, tòa nhà HM Tower, 412 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh
☎️ : 0938.603.496
📩 : info@openend.vn
🌐 : OpenEnd.vn