Chỉ ba tháng sau đó, vào ngày 8/8, dịch vụ thanh toán di động Apple Pay cũng chính thức được hỗ trợ tại Việt Nam, với hàng loạt ngân hàng phổ biến hỗ trợ chính thức, cho phép thanh toán các loại thẻ thông qua ứng dụng Wallet, mang đến sự tiện dụng cho người dùng.
Ngoài ra, Apple cũng tiến hành các hoạt động mở rộng sản xuất tại Việt Nam, khi doanh số bán hàng ở Trung Quốc gặp khó khăn do nhu cầu thấp và nhiều ràng buộc trong sản xuất. Tờ Forbes đánh giá, Việt Nam ngày nay đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với Apple nhờ tận dụng được chi phí sản xuất cạnh tranh.
Trong kế hoạch mới nhất, Apple đang tiến tới kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất nhiều sản phẩm, bao gồm iPhone, AirPods, HomePod và MacBook tại các thị trường tiềm năng như Việt Nam.
Apple ban đầu thử nghiệm sản xuất Apple Watch tại Việt Nam vào đầu năm 2023 trước khi quyết định chuyển cả mảng sản xuất MacBook sang đây.
Cũng trong tháng 11 năm ngoái, trong cuộc gặp phái đoàn Việt Nam trước thềm Tuần lễ Cấp cao APEC 2023, CEO Tim Cook cho biết Việt Nam là quốc gia nằm trong chiến lược kinh doanh đặc biệt của Apple.
CEO Tim Cook đánh giá nền kinh tế số của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với đội ngũ kỹ sư, nhân viên công nghệ trình độ cao. Cùng với đó, Việt Nam cũng có các chính sách mở cửa chào đón các công ty nước ngoài sản xuất các sản phẩm công nghệ.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh Quý 4 năm tài chính 2023, CEO Tim Cook nhấn mạnh Việt Nam là một trong những thị trường thành công nhất của Apple.
Có thể nói, Việt Nam là thị trường khá giống với hai thị trường quan trọng của Apple ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, khi đáp ứng cả hai tiêu chí: vừa là thị trường tiêu dùng vừa là cơ sở sản xuất.
Khi hàng loạt dịch vụ của Apple đã cập bến, việc mở cửa hàng vật lý chính thức ở Việt Nam sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Theo: Đời sống và pháp luật