Kinh doanh là một bài toán mà doanh nghiệp cần phải cân đối từ chiến lược, nhân sự tới chi phí kinh doanh. Trong đó, chi phí kinh doanh là tiêu chí để chỉ tất cả những loại chi phí được sử dụng trong hoạt động kinh doanh. Cùng Open End làm rõ về khái niệm chi phí kinh doanh và những yếu tố quan trọng để tối ưu chi phí một cách hiệu quả nhất qua bài viết dưới đây.
Chi phí kinh doanh là gì?
Chi phí kinh doanh của doanh nghiệp được hiểu là toàn bộ chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cùng các khoản thuế gián thu mà doanh nghiệp cần bỏ ra để thực hiện hoạt động kinh doanh trong thời kỳ nhất định.
Ngoài ra, chi phí kinh doanh cũng được thể hiện ở định nghĩa là biểu hiện bằng tiền của các hao phí về vật chất, sức lao động và chi phí bằng tiền khác liên quan, phục vụ trực tiếp hoặc gián tiếp cho quá trình kinh doanh của doanh nghiệp trong thời kỳ nhất định. Cùng với đó, được bù đắp từ doanh thu kinh doanh của doanh nghiệp trong thời kỳ đó.
Thành phần của chi phí kinh doanh
Chi phí hoạt động kinh doanh
Chi phí hoạt động kinh doanh sẽ bao gồm: Chi phí hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ; Chi phí hoạt động tài chính.
* Chi phí hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ
Chi phí này là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ hao phí mà doanh nghiệp bỏ ra để thực hiện nhiệm vụ mua bán hàng hóa, sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm, cung cấp dịch vụ trong một thời gian nhất định, bao gồm giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Giá vốn hàng bán là giá mua thực tế của số hàng hóa bán ra trong kỳ. Đối với doanh nghiệp sản xuất, giá vốn hàng bán là giá thành sản xuất sản phẩm, bao gồm:
- Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: Giá trị thực tế của các loại nguyên vật liệu, vật liệu được sử dụng trực tiếp vào việc chế tạo sản phẩm của doanh nghiệp.
- Chi phí nhân công trực tiếp: Đây là khoản tiền lương, tiền công, phụ cấp lương cũng như các khoản trích nộp theo lương phải trả cho công nhân trực tiếp sản xuất.
- Chi phí sản xuất chung: Là những khoản phí chung phát sinh ở các phân xưởng hoặc bộ phận kinh doanh như khấu hao TSCĐ thuộc phân xưởng, tiền lương, phụ cấp lương của nhân viên quản lý phân xưởng, chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí bằng tiền khác ở phân xưởng hay bộ phận kinh doanh.
Đối với doanh nghiệp thương mại, giá vốn hàng bán bao gồm giá mua của hàng bán ra cùng chi phí mua hàng phân bổ cho hàng bán ra.
Chi phí bán hàng: Là các khoản chi phí liên quan trực tiếp đến tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa và cung cấp dịch vụ như chi phí tiền lương, phụ cấp lương của nhân viên bán hàng, nhân viên tiếp thị, chi phí vận chuyển, bốc dỡ hàng bán, chi phí khấu hao TSCĐ dùng cho bán hàng, hóa hồng đại lý,…
Chi phí quản lý doanh nghiệp: Là khoản chi phí mang tính chất quản lý hành chính chung của doanh nghiệp, không thể tách riêng ra cho từng đối tượng cụ thể như phí tiếp tân, khánh tiết, khấu hao TSCĐ dùng cho quản lý, chi thưởng năng suất lao động, chi phí nghiên cứu khoa học, chi thưởng sáng kiến cải tiến, chi hỗ trợ cho giáo dục, chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí bằng tiền khác ở bộ phận quản lý,…
* Chi phí hoạt động tài chính
Là các khoản chi cho đầu tư tài chính với mục đích sử dụng hợp lý nguồn vốn, tăng thêm thu nhập cho doanh nghiệp gồm:
- Chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động liên doanh, liên kết như chi phí vận chuyển tài sản đi góp vốn, chi phí hội họp liên doanh, lỗ trong liên doanh,…
- Chi phí thuê tài sản, kể cả giá trị hao mòn TSCĐ cho thuê (trừ cho thuê tài chính);
- Chi phí phát sinh trong quá trình bán chứng khoán, các khoản lỗ trong đầu tư;
- Khoản dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán;
- Khoản lỗ về chênh lệch tỷ giá ngoại tệ và bán ngoại tệ;
- Khoản chiết khấu thanh toán cho người mua;
- Chi phí cho vay và đi vay vốn;
- Chi phí hoạt động tài chính khác ngoài các khoản đã nêu
Chi phí khác
Đây là các khoản chi phí xảy ra không thường xuyên, nảy sinh do các sự kiện hay nghiệp vụ riêng biệt với hoạt động tạo ra doanh thu. Chi phí này bao gồm:
- Chi phí thanh lý, nhượng bán TSCĐ kể cả giá trị còn lại của TSCĐ thanh lý, nhượng bán (nếu có);
- Tiền phạt do vi phạm hợp đồng kinh tế và chi phí để thu tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế;
- Giá trị tổn thất của tài sản sau khi đã bù đắp bằng quỹ dự phòng tài chính và các khoản bồi thường;
- Chi phí cho việc thu hồi nợ đã xóa sổ;
- Khoản chi phí khác là các khoản chi phí về hoạt động khác ngoài các khoản đã nêu.
Chi phí hoạt động kinh doanh chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn bộ chi phí doanh nghiệp. Trong chi phí hoạt động kinh doanh, chi phí hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất cũng như quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh cuối cùng của doanh nghiệp.
Giải pháp tối ưu chi phí kinh doanh
Tối ưu chi phí Marketing
Các chiến dịch quảng cáo Marketing là yếu tố thiết yếu đối với mỗi doanh nghiệp để có thể tạo ra lợi nhuận và mang lại hiệu quả nhanh. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp quá tập trung vào các chiến dịch quảng cáo trả phí và không tối ưu nó thì đó không phải là giải pháp đúng đắn.
Để tối ưu chi phí Marketing, doanh nghiệp hoàn toàn có thể mở rộng thêm các kênh Marketing khác như triển khai SEO, truyền thông mạng xã hội,…thay vì tập trung quá nhiều vào chi phí cho Marketing thuê ngoài.
Tối ưu chuyển đổi cũng là cách giúp doanh nghiệp tối ưu được chi phí Marketing. Khi này, CAC – chi phí bỏ ra để có được 1 khách hàng sẽ được tối ưu và giúp doanh nghiệp giảm chi phí hiệu quả.
Ứng dụng công nghệ trong quản lý, kinh doanh
Có thể nói, công nghệ chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp tối ưu chi phí quản lý, chi phí nhân sự và đặc biệt là giảm thiểu tối đa sai sót trong quá trình kinh doanh. Trên thực tế, chi phí cho các phần mềm quản lý, máy in, máy quét,…không quá đắt đỏ nhưng mang lại hiệu quả quản lý tương đối tốt. Do đó, đây là khoản đầu tư mà doanh nghiệp nên cân nhắc để tối ưu các loại chi phí khác.
Tối ưu chi phí tài chính
Để tối ưu chi phí này, doanh nghiệp cần đánh giá kỹ các hợp đồng bảo hiểm cũng như các khoản vay nợ để đảm bảo rằng doanh nghiệp có thể loại bỏ các điều khoản phát sinh chi phí không cần thiết. Hãy so sánh các nhà cung cấp để tìm mức phí bảo hiểm cạnh tranh nhất, sau đó lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ hoặc đàm phán về mức phí.
Tối ưu kỹ năng của nhân viên
Có thể nói, hiệu suất làm việc của nhân viên ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả công việc và chi phí của doanh nghiệp. Chi phí ở đây có thể hiểu là chi phí nhân sự, chi phí phải trả cho các tổn thất do sai sót trong quá trình làm việc.
Hãy cố gắng đánh giá được khả năng làm việc của từng nhân viên và đảm bảo giao nhiệm vụ phù hợp với từng cá nhân để mang lại hiệu quả công việc tốt nhất. Điều này không chỉ giúp nhân viên hiểu rõ được vai trò, trách nhiệm của họ để phát huy một cách tốt nhất mà còn đảm bảo được hiệu quả vận hành của doanh nghiệp.
Luôn theo dõi ngân sách của doanh nghiệp
Theo dõi ngân sách, chi phí kinh doanh là yếu tố quan trọng để có thể đánh giá và đưa ra kế hoạch cắt giảm, tối ưu chi phí kinh doanh. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp có thể đưa ra được quyết định tài chính thông minh cũng như định hình rõ ràng được dòng tiền của doanh nghiệp.
Công ty Cổ Phần Phát Triển Open End
🏠 Địa chỉ: Tầng 14, toà nhà HM Town, 412 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, TP. HCM
🏠 Chi nhánh Miền Nam: Tầng 2, Tòa nhà D-Vela, số 1177 Huỳnh Tấn Phát, Phường Phú Thuận, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh
🏠 Chi nhánh Miền Trung: 1747-1749, Đường Nguyễn Tất Thành, Phường Thanh Khê Tây, Quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng
🏠 Chi nhánh Miền Bắc: Phòng 604, Tầng 6, Tòa nhà Rocland, Số 112 Mễ Trì Hạ, Phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
☎️ Hotline: 0938.603.496
📩 Email: info@openend.vn
Website: OpenEnd.vn
xem thêm bài : tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp