Bloomberg: Khủng hoảng chuỗi cung ứng có thể làm “xịt hơi” bong bóng chứng khoán và bất động sản toàn cầu

Theo Bloomberg, các ngân hàng trung ương không còn cho rằng lạm phát chỉ là nhất thời. Thay vào đó, các tổ chức này có thể phải nâng lãi suất sớm hơn dự kiến, nhằm ngăn chặn giá cả leo thang. Điều đó tạo ra mối đe dọa lớn cho quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, vốn đã không chắn chắn, và có thể làm “xịt hơi” bong bóng chứng khoán, bất động sản.

Bloomberg

Đằng sau tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, là mạng lưới giao thông quá tải, tình trạng thiếu lao động, và nhu cầu hàng hóa tại Mỹ tăng vọt.

Không lường trước được tốc độ phục hồi

Các nhà sản xuất trên khắp thế giới đã không thể lường trước tốc độ phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế. Bởi chỉ mới năm ngoái, họ buộc phải cắt giảm mua nguyên liệu vì người tiêu dùng hạn chế chi tiêu.

Tại Việt Nam, các nhà máy của Nike từng phải thu hẹp sản lượng, vì công nhân trở về quê. Trung Quốc – công xưởng của thế giới, cũng đang đối mặt với những đợt bùng phát virus mới, và các hạn chế nghiêm ngặt nhằm hạn chế dịch lây lan.

Giá xuất xưởng tại Trung Quốc đang tăng với tốc độ 10%/năm, đánh dấu mức tăng nhanh nhất kể từ những năm 1990.

Sản lượng tháng 9/2021 của Toyota đã giảm hơn 1/3 so với mức năm 2020. Nguyên nhân là tình trạng thiếu hụt ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy trình sản xuất Just-In-Time (đúng sản phẩm, đúng số lượng, tại đúng nơi, vào đúng thời điểm cần thiết) của hãng.

Các nhà sản xuất, công ty vận chuyển và khách hàng trên toàn cầu có chung một câu hỏi: đến bao giờ tình trạng gián đoạn mới kết thúc.

Những “gã khổng lồ” cũng không thể lạc quan 

Bloomberg thông tin, Amazon và Apple từng “bẻ cong” chuỗi cung ứng theo ý muốn của họ. Nhưng giờ, ngay cả những gã khổng lồ này cũng không mấy lạc quan về tình hình trước mắt.

Amazon thừa nhận, toàn bộ lợi nhuận quý IV/2021 của hãng có thể bay hơi do chi phí nhân công, chi phí lưu kho, xử lý, đóng gói và vận chuyển hàng hóa tăng vọt.

Apple cho biết, hãng đã mất 6 tỷ USD doanh thu do không thể đáp ứng đủ nhu cầu, và có thể thua lỗ nhiều hơn trong quý tới.

Những “nút thắt cổ chai” xuất hiện từ các dây chuyền lắp ráp, cho đến những giỏ hàng của người mua. Khi một nhà cung cấp chờ một nhà cung cấp khác giao hàng, tình trạng chậm trễ cứ thế chồng chất lên nhau.

Hệ thống hậu cần thường kéo theo sự thăng trầm của nền kinh tế, với một kịch bản có thể đoán trước. Đó là nhu cầu tăng cao thúc đẩy thương mại, đẩy giá vận chuyển lên cao, giúp các hãng vận chuyển hưởng lợi, cho đến khi công suất tăng quá mức, dẫn đến một vụ sụp đổ.

Nhưng đại dịch đã làm đảo lộn vòng tròn đó. Ngay cả khi nền kinh tế phát đi tín hiệu tăng trưởng lao dốc, thương mại quốc tế vẫn hứng chịu tình trạng tắc nghẽn chưa từng có.

70 con tàu neo đợi ngoài khơi Los Angeles, chất đầy những container 6 m. Hàng hóa trong các container này có thể trải dài từ Nam California đến Chicago.

Ngay cả khi những con tàu container đó cập bến, hàng hóa cũng sẽ bị dồn vào hàng nghìn container khác đang mắc kẹt ở cảng. Chúng cần đến số lượng lớn xe tải, và xe kéo chỉ trong một thời gian ngắn.

Ở những nơi khác trên thế giới, tình trạng tắc nghẽn thường theo sau thời tiết khắc nghiệt, và các đợt bùng phát virus, chẳng hạn tại Singapore.

Bloomberg cho hay, theo một phân tích, lượng hàng tồn đọng vào ngày 1/11/2021 ở trung tâm tài chính, và hậu cần của đảo quốc đã tăng cao, 53 tàu container đang neo đậu. Đây là con số cao nhất kể từ khi Bloomberg bắt đầu theo dõi dữ liệu vào tháng 4/2021.

Đó cũng là vấn đề Mỹ đang phải đối diện, nhưng với tỷ lệ tiêm chủng ở nhiều quốc gia châu Á vẫn còn thấp, vấn đề này sẽ không sớm biến mất.

Bloomberg thông tin, ông Simon Heaney – quản lý cấp cao tại Drewry (có trụ sở ở London) chia sẻ: “Chuỗi cung ứng cần một sự may mắn nhất định để có thể phục hồi. Đó là không còn thiên tai hay các đợt bùng phát Covid-19 mới. Ngoài ra, chúng ta cũng cần thêm thời gian và đầu tư để củng cố năng lực hậu cần”.

Theo tính toán của Bloomberg Economics, lạm phát của Mỹ hiện ở mức 5,4%, và có thể tiếp tục duy trì trong khoảng 4 – 5% trong năm tới, nhất là khi những hạn chế về nguồn cung không thuyên giảm.

Môi trường đình lạm (tăng trưởng kinh tế đình trệ trong khi lạm phát tăng cao), là một thách thức đối với các ngân hàng trung ương. Việc giữ lãi suất ở mức thấp sẽ giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế, nhưng có thể làm gia tăng rủi ro giá cả leo thang.

Việc thắt chặt chính sách sẽ dập tắt lạm phát thông qua kìm hãm nhu cầu. Nhu cầu đối với hàng hóa có thể giảm xuống khi các gói kích thích kinh tế giảm dần, hoặc những lo ngại về điều kiện tài chính thắt chặt hơn làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng.

Đặc biệt, Bloomberg cho biết, theo ông John Butler – Chủ tịch Hội đồng Vận tải biển Thế giới: “Tình hình hiện tại là chưa từng có tiền lệ, hoàn toàn khác với những tình trạng gián đoạn khác mà thế giới từng trải qua. Cách giải quyết tình trạng tắc nghẽn hiện tại cũng sẽ khác”.

Theo: Cafef

Trên đây là một số chia sẻ về bài viết : Bloomberg: Khủng hoảng chuỗi cung ứng có thể làm “xịt hơi” bong bóng chứng khoán và bất động sản toàn cầu. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay cần tư vấn miễn phí chuyên sâu hơn về dịch vụ quản trị nhân sự của chúng tôi xin vui lòng liên hệ:

Công ty Cổ Phần Phát Triển Open End

🗺 : Tầng 14, tòa nhà HM Tower, 412 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh

☎️ : 0938.603.496

📩 : info@openend.vn

🌐 : OpenEnd.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *